Khám phá ra vi khuẩn gây bịnh dịch hạch
Từ năm 1866, bịnh dịch hạch phát hiện ở Côn Minh, thủ đô tỉnh
Vân Nam; Năm sau lan đến Quảng Đông, suốt 28 năm dịch hạch tiềm tàng ở Vân Nam
và Quảng Đông đe doạ Bắc Việt.
Năm 1892, Yersin đã báo cho Toàn quyền De Lanessan biết cái
hiểm hoạ ấy, nhưng De Lanessan trả lời: Không có bịnh dịch hạch ở Vân Nam, mà dầu
có đi nữa tôi cũng nói là không. Xứ Bắc Kỳ đã khổ rất nhiều, không cần phải đem
dịch hạch gán lên lưng.
Sau khi đã sát hại gần 100000 người, dịch hạch tràn sang
Hương Cảng. Bấy giờ chánh phủ Pháp mới quyết định gởi một phái bộ sang nghiên cứu
dịch hạch, và tìm biện pháp để ngăn không cho nó lan xuống Việt Nam. Yersin được
biệt phái sang Vân Nam để tìm căn do bịnh dịch hạch. Nhưng lúc bấy giờ dịch hạch
đã lắng dịu ở Vân Nam mà lại đang hoành hành ở Hồng Kông. Yersin muốn xin sang
Hồng Kông, nhưng Toàn quyền Chevassieux không dám cãi lịnh Paris. Sau nhờ
Calmette can thiệp, chánh phủ Pháp thuận cho Yersin sang Hồng Kông.
Yersin đến Hồng Kông ngày 15.06.1894. Trước mắt ông là một Hồng
Kông điêu tàn. Dân số Hồng Kông lúc bấy giờ khoảng 200 000 người, nhưng hơn
phân nửa sợ lây đã bỏ chạy nơi khác. Tỷ lệ tử vong lên đến 15%.
Sir Robin Toàn quyền Hồng Kông và bác sĩ Lawson giám đốc bệnh
viện Kennedy Town tiếp Yersin một cách lạnh lùng.
Tại bệnh viện Kennedy Town, Yersin chạm trán với phái đoàn y
tế Nhật gồm sáu người do giáo sư Kitasato hướng dẫn. Họ đến Hồng Kông trước
Yersin ba ngày. Kitasato là môn đệ của giáo sư Koch, đã sống ở Berlin bảy năm.
Yersin muốn gợi chuyện với Kitasato bằng tiếng Đức, thì Kitasato giả bộ không
hiểu và bật cười: "Tôi hiểu tiếng Đức chứ không hiểu thổ ngữ Thụy
Sĩ".
Giáo sư Kitasato và ban trị sự bệnh viện tìm đủ mọi cách cản
trở công việc của Yersin. Người Nhật được quyền sử dụng một phòng thí nghiệm tại
bệnh viện, và độc quyền mổ xác bệnh nhân chết vì dịch hạch để nghiên cứu.
Yersin đành thuê thợ làm một túp lều tranh hai phòng, một để
làm việc, một để ở. Ngày 22.06.1894, Yersin dọn dụng cụ vào đấy.
Yersin thấy Kitasato tìm vi khuẩn dịch hạch trong máu thì biết
là ông ấy đã sai lạc. Theo Yersin, phải tìm vi khuẩn đó trong hạch.
Không được mổ công khai thì Yersin phải mổ lén.
Nhờ sự giúp đỡ của giáo sĩ Vigano, và cho tiền những thủy thủ
Anh có nhiệm vụ đem các xác chết đi chôn, Yersin đã được xuống hầm chứa xác vài
giờ trước khi xác được đưa ra nghiã địa. Ông phải gạt lớp vôi phủ xác chết, tự
cắt hạch từ xác chết đem về phòng thí nghiệm của mình.
Kính hiển vi cho thấy hằng hà sa số những hình ảnh đồng nhất
của các vi khuẩn có hình gậy, hai đầu tròn, nhuộm Loeffler màu nhạt.
Yersin tiêm vi khuẩn vào chuột thì hai mươi bốn giờ sau chuột
chết. Các thú vật thí nghiệm khác thì chết từ hai đến sáu ngày và trong tử thi
đầy hạch.
Không còn nghi ngờ gì nữa. Trong khoảng thời gian bảy ngày,
Yersin đã tìm ra vi khuẩn dịch hạch. Ông gửi về viện Pasteur Paris một số ống
nghiệm đầy kín chất lấy ra từ hạch bịnh.
Yersin mời bác sĩ Lawson đến phòng thí nghiệm của mình trong
lều tranh và chỉ cho Lawson xem các vi khuẩn tìm được. Ông cũng khiếu nại với
quan thống đốc về việc ông bị cản trở không được mổ tử thi. Từ đó bệnh viện dễ
dãi cho ông đôi chút.
Nhiều năm sau kéo dài một cuộc tranh luận sôi nổi, xerm ai
là người đầu tiên đã tìm ra vi khuẩn dịch hạch.
Mặc dầu có tài liệu công bố của viện Pasteur Paris, sách báo
y học Anh ngữ vẫn cho rằng Kitasato là
ngườI đầu tiên đã tìm ra được vi khuẩn dịch hạch, hoặc Kitasato và Yersin tìm
ra vi khuẩn cùng một lúc và gọi vi khuẩn Kitasato-Yersin. Cuối cùng, năm 1975 Hội
nghị Sinh vật học Thế giới lần thứ Mười đã quyết định cho vi khuẩn mang đúng
tên người đã khám phá ra nó "Yersinia-Pestis".
Khi đến Hồng Kông, Yersin đã nhận thấy chuột chết rất nhiều
dọc đường, và khi mổ xác chuột, ông tìm thấy hạch đầy vi khuẩn, cho thấy rằng bịnh
dịch hạch do chuột truyền nhiễm. Ông đưa ra lý thuyết là vi khuẩn lây qua người
do thức ăn bị chuột phóng uế, và vết loét. Chúng ta sẽ thấy rằng lý thuyết này
không đúng.
Khi dịch hạch tại Hồng Kông đã lắng dịu, Yersin về Pháp để
cùng Roux, Calmette, Borrel nghiên cứu thuốc chủng (vaccin) để ngừa, và huyết
thanh (sérum) để trị dịch hạch. Ông đến Pháp tháng Tư năm 1895. Pasteur sức khoẻ
bị suy kém nhiều nhưng cũng đến khen Yersin.
Để hết tâm trí và thời giờ vào công việc, ông từ chối không
làm cha đỡ đầu cho đứa cháu trai con người anh, và ông cho mẹ ông hay lúc nào
công việc tiến hành khả quan thì ông mới về Morges thăm mẹ.
Việc chế tạo huyết thanh đã hoàn thành, Yersin xin trở lại
Nha Trang lập một phòng thí nghiệm để chế tạo thật nhiều huyết thanh phòng khi
cứu trợ bệnh nhân các nước láng giềng.
Thành lập viện Pasteur Nha Trang
Với 5000 đồng bạc
do toàn quyền Đông Dương trợ cấp, Yersin lập một phòng thí nghiệm đơn sơ tại bờ
bể Nha Trang, và cất tại thành phố Khánh Hoà một trại nuôi trâu bò, lừa ngựa,
cùng thỏ chuột, dùng cho việc thí nghiệm.
Năm 1896, ông được
chánh phủ biệt phái một viên thú y nhà binh là Pesas đến săn sóc thú vật.
Quảng Châu - Áo Môn
Mùa Xuân năm
1896, dịch hạch lại phát hiện ở Quảng Châu, Áo Môn. Yersin đem huyết thanh đến
nơi và cứu được nhiều người, nhưng ông rất buồn vì trọng lượng huyết thanh rất
ít, không đủ điều trị cho tất cả bệnh nhân. Tháng 9 năm 1896, ông về Paris ba
tuần lễ để xin thành lập một viện Pasteur tại Trung Quốc. Kết quả không được
như ý. Sau hai mươi bốn giờ về thăm mẹ, Yersin trở lại Việt Nam.
Bombay
Trên chuyến tàu
từ Marseille đến Sài Gòn, Yersin nhận được điện tín của thị trưởng thành phố
Bombay yêu cầu đến giúp vì dịch hạch bắt đầu xuất hiện tại đó. Về đến Nha
Trang, ông thúc đảy việc chế tạo huyết thanh cho nhanh chóng và đem bảy trăm liều
sang Bombay. Đến Colombo, ông nhận được tin Pesas, người thú y cộng sự vừa từ
trần. Yersin rất đau lòng vì ông cho rằng Pesas bị nhiễm trùng dịch hạch trong
lúc tiêm vào thú vật.
Tại Bombay, kết
quả của huyết thanh không được rạng rỡ. Số tử vong lên đến 50%, vì bịnh nhân đến
điều trị rất trễ.
Tháng 5 năm 1897, dịch hạch dịu dần và
Yersin cũng hết huyết thanh, Roux gởi Simon sang thay cho Yersin, và chính
Simon đã tìm ra được nguyên nhân làm lan truyền bệnh dịch hạch, từ chuột sang
người. Đó là loại bọ chét sống ký sinh ở chuột. Chúng hút máu chuột bịnh đầy vi
khuẩn rồi chích qua người.
Nha Trang
Yersin về Nha
Trang chưa kịp tăng cường sản xuất huyết thanh, thì lại phải đương đầu với dịch
hạch lần nữa. Làn nầy nơi ông cư trú: Xóm Cồn Nha Trang.
Ngày 23 tháng 6
năm 1899, một số người ở xóm Cồn đã chết vì bịnh dịch hạch. Nguồn gốc của bịnh
là do các thuyền buôn Trung Quốc mang mầm bệnh đã ghé Nha Trang. Yersin cho sơ
tán dân xóm Cồn và tiêm huyết thanh cho họ. Nhà cửa người bịnh thì đốt đi.
Đến tháng 2 năm
1899, khi mọi người tưởng rằng dịch hạch đã được dập thì bịnh lại tái phát. Hai
làng khác gần Nha Trang buộc phải áp dụng các biện pháp tiêu thổ tiêm phòng và
di chuyển dân. Đến tháng 3 năm 1899, bệnh dịch hạch ở Nha Trang và xóm Cồn mới
được dập tắt. Yersin băn khuăn cảm thấy như mình có lỗi trong những thiệt hại
trên, đối với những người mà ông coi như ruột thịt của mình.
Yersin người đầu tiên đã đem khoa thú y vào Việt Nam
Đông Dương là một
vùng đất lấy nông nghiệp làm cơ bản. Trâu bò là sức kéo chủ yếu. Nếu trâu bò bị
bịnh thì đời sống kinh tế của nông thôn bị đe doạ. Yersin thấy việc phòng chống
dịch cho trâu bò hết sức quan trọng. Ông là người đi đầu trong công việc nghiên
cứu, giải quyết vấn đề về dịch tễ của trâu bò và đặt nền móng cho công tác thú
y ở Việt Nam.
Năm 1904,
Yersin, sau một thời gian thí nghiệm đã khẳng định ở Đông Dương có cả hai bịnh
: nhiệt thán dịch tả trâu bò, và tụ huyết trùng trâu bò, trái hẳn với thuyết của
các thú y trước cho rằng ở Đông Dương không có nhiệt thán dịch tả trâu bò.
Yersin đào tạo một số cán bộ thú y cho toàn
Đông Dương về phương diện bệnh lý và vệ sinh tiêm chủng. Các bác sĩ thú y người
Pháp đến Đông Dương đều phải trải qua một đợt thực tập ba tháng tại viện
Pasteur Nha Trang.
Nhờ sự đóng góp
rất lớn của Yersin trong khoa học thú y mà ngành chăn nuôi Việt Nam từ đầu thế
kỷ 20 đã vững bước tiến lên, và những thú y Việt Nam đã quen coi viện Pasteur
Nha Trang là từ đường của nghề nghiệp. Từ năm 1899, viện Pasteur Nha Trang dần
dần nghiên cứu sản xuất huyết thanh trị bịnh dịch tả trâu bò cùng các bịnh gia
súc, kể cả thuốc thú y; còn thuốc dùng cho con người, họ nhường cho viện
Pasteur Sài Gòn.
Nhập chủng thảo mộc
Nơi nông trại Suối
Dầu, lúc đầu Yersin trồng ngũ cốc để nuôi nhân công và súc vật. Khi việc sản xuất
thuốc chủng (vaccin) và huyết thanh (sérum) bắt đầu ổn định, ông nghĩ ngay đến
việc tìm một vài loại cây trồng để cung cấp một phần kinh phí cho hoạt động của
viện Pasteur Nha Trang, vì Viện là một tổ chức tư nhân, không phải của nhà nước
thuộc địa.
a) Phát triển
cây cao su (hévéa brasiliensis)
Nhận thấy cao su
trong tương lai sẽ đem lại một nguồn lợi lớn, năm 1897, Yersin với sự giúp đỡ của
Vernet kỹ sư canh nông bắt đầu cho trồng cây cao su tại Suối Dầu năm 1909. Diện
tích trồng cao su tại Suối Dầu lên đến 100 mẫu, lợi tức hàng năm một tấn rưỡi
nhựa trị giá 15000 francs.
Từ 1930 đến
1940, mỗi năm Suối Dầu sản xuất một trăm tấn nhựa khô. So với số lượng sản xuất
của toàn miền Nam 100 000 tấn, con số nói trên không đáng kể, nhưng giúp viện
Pasteur Nha Trang cân bằng ngân sách và khỏi phải xin trợ cấp.
b) Nhập chủng
cây quinquina
Trận đại chiến
thế giới lần thứ nhứt làm Việt Nam thiếu hụt thuốc Kí-ninh (quinine). Yersin nhập
chủng cây quinquina trồng tại Hòn Bà, nhưng kết quả không được tốt. Năm 1923
cây nầy được đem trồng ở Dran Djiring và Diom, trên cao nguyên Lang Bian. Nhờ sự
trợ giúp của Lambert, nhà hoá lý học, năm 1937-1938, diện tích trồng cây
quinquina lên đến 671 mẫu. Nhân công đã bóc được 41 500 ki-lô vỏ, chế tạo được
3 227 ki-lô sulfate de quinine.
Yersin giám đốc trường y khoa Hà Nội
Đương say sưa với
công việc ở viện Pasteur Nha Trang thì bất thình lình năm 1902 Yersin được toàn
quyền Đông Dương Paul Doumer mời ra Hà Nội nhậm chức hiệu trưởng trường Y Khoa.
Việc xây dựng một
trường Đại Học Y Khoa tại Đông Dương đã được nghĩ tới nhiều năm trước, và Hà Nội
được chọn. Đối với giới cầm quyền Đông Dương thời đó, trường y khoa Hà Nội
không chỉ là nơi đào tạo các thầy thuốc bản xứ, mà còn là một trung tâm văn
hoá, khoa học, nhằm phát huy ảnh hưởng của nền văn minh tây phương, đặc biệt là
của Pháp.
Các vấn đề tổ chức
chung và nhân sự được trao đổi với Brouardel, hiệu trưởng trường Đại Học Y Khoa
Paris. Theo yêu cầu của bộ trưởng thuộc địa Decrais, một hiệu trưởng không được
quá trẻ và phải đủ tư cách cùng uy tín để hoàn thành nhiệm vụ một cách đẹp đẽ.
Thế là nhà bác học nổi tiếng Alexandre Yersin được chọn làm hiệu trưởng đầu
tiên của trường Y Khoa Hà Nội.
Khoá đầu tiên có
29 sinh viên được trúng tuyển: Bắc Kỳ 15 người, Trung Kỳ 5 người, Nam Kỳ 8 người,
Cao Miên 1 người.
Là nhà mô phạm
và thích huấn luyện chuyên viên, A. Yersin ngoài chức hiệu trưởng, lãnh thêm
nhiệm vụ giảng dạy các môn lý, hoá, cơ thể học.
Nhưng khi Paul
Doumer rời Đông Dương, toàn quyền Paul Beau muốn hạ thấp trình độ giảng dạy thì
Yersin buột miệng kêu lên: "Chánh phủ Pháp muốn đào tạo y tá thay vì đào tạo
thầy thuốc!" Rồi ông xin từ chức hiệu trưởng trường y khoa Hà Nội, trở về
Nha Trang.
Trường Trung học Đà lạt
Yersin tại trường Trung học Đà lạt 1935
Yersin dưới mắt người đồng thời
Các đồng nghiệp của ông Yersin tại viện Pasteur Paris và những
người Pháp tại Đông Dương thấy ông phân tán trí thức lấy làm gai mắt, cho ông
là một người kỳ dị. Càng gai mắt hơn nữa là ông thành công trên nhiều lãnh vực.
Luôn luôn tiên phong trong những lãnh vực mới, những phát
minh tối tân, ông là một tư nhân đầu tiên có được:
- Máy phát thu bằng chữ morse để liên lạc Nha Trang, Suối Dầu,
Hòn Bà;
- Máy thu thanh tân tiến, bắt được các đài bên Pháp;
- Kính thiên văn;
Năm 1910, ông lại muốn tậu một chiếc phi cơ, nhưng vì Đông
Dương không có sân bay, ông đành bỏ dự định này. Trong khi công sứ tại Nha
Trang chưa có xe nhà thì Yersin đã gởi mua tại Pháp chiếc Serpollet năm mã lực,
chiếc xe Clément và một thuyền máy. Hai năm sau, ông bán lại chiếc Serpollet
năm mã lực cho ông công sứ Nha Trang, rồi sang Paris tậu chiếc xe Serpollet sáu
mã lực đem ra Hà Nội làm lác mắt chẳng những dân cư Hà Nội mà cả chánh quyền.
Viên tướng chỉ huy quân đội Pháp còn nhờ ông đưa xe đi diễn binh qua cầu Long
Biên. Tháng Giêng năm 1905, Yersin bán chiếc Serpollet sáu mã lực, tậu chiếc
Serpollet mười một mã lực. Năm 1907, ông mua một chiếc Alcyon. Năm 1912, ông
mua chiếc Clément Bayard mười lăm mã lực, nhưng khi chiếc xe này không chạy được
nữa, ông trở lại dùng xe đạp. Đến năm 1925 vì cần phương tiện liên lạc giữa Nha
Trang, Hòn Bà, Dran, Djiring, ông lại tậu chiếc Zèbre vừa mau vừa êm. Nhưng một
hôm về ngang Phan Rang, ông suýt đụng một em bé, nên ông bán chiếc Zèbre, và từ
đấy ông dùng lại xe đạp. Năm 1943, vì phổi yếu, ông dùng xích-lô. Nhắc đến
Yersin, ai cũng hình dung một ông cụ già khiêm tốn ăn mặc xuềnh xoàng đi chiếc
xe đạp cũ kỹ, quên rằng Alexandre Yersin đã làm bực mình các giới chánh quyền bấy
giờ với những chiếc ô-tô tối tân. Luôn luôn tiên phong trong những lãnh vực mới,
năm 1932, khi chuyến bay đầu tiên của hàng không Pháp nối liền Sài Gòn-Paris
thì ông dùng máy bay để vận chuyển. Tháng 3 năm 1940, Yersin bảy mươi bảy tuổi,
lấy máy bay về Pháp để dự buổi họp hằng năm của viện Pasteur Paris. Một cuộc
hành trình rất gay go. Ngày 30 tháng 5 năm 1940, chuyến máy bay cuối cùng đưa
ông về Việt Nam, trước khi quân đội Đức vào Paris.
Nơi cư trú của Yersin
Yersin thích sống
chung với người dân nghèo chài lưới và đã chọn cái lô-cốt hai tầng lầu bỏ hoang
gần xóm Cồn và cửa sông cái. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí quyển XI về Khánh Hoà,
đó là một đồn biên phòng rất lâu đời.
Từ năm 1895,
Yersin đã tạo lập cho mình chỗ ở tuyệt vời để hằng ngày quan sát và hoà nhập với
thiên nhiên.
Lô-cốt mỗi bề
khoảng 7m50. Mỗi tầng có hành lang rộng bao bọc. Có thể đi dọc hành lang để
quan sát. Ông bố trí tầng trệt là phòng ăn, tầng một là phòng làm việc và tầng
hai là phòng ngủ. Về sau, nóc nhà làm thêm một vòng tròn để dựng kính thiên
văn.
Nhà ở và làm việc của Yersin tại Nha Trang
Nhà ở của Yersin tại cao nguyên Lang Biang
Nhà bác học vị tha
Đó là một người
không chạy theo danh vọng, quyền lợi cho riêng mình.
Ông đầu tư ngay số
tiền kèm theo các giải thưởng vào các công trình đang thực hiện. Huân chương Bắc
Đẩu Bội Tinh đem lại cho ông 250 quan Pháp mỗi năm. Giải Audiffret của Hàn lâm
viện Tâm lý và Chính trị có kèm theo 15000 quan Pháp. Ông dùng số tiền này tiếp
trợ cho nền tài chánh Suối Dầu. Giải thưởng Lassen đem lại cho ông 8000 quan
Pháp. Ông dùng ngay tiền đó vào việc mở đường mòn nói liền Suối Dầu-Hòn Bà.
Tháng 12 năm
1927, khi nhận giải thưởng Leconte của viện Hàn lâm Khoa học, ông tuyên bố
:"Giải thưởng nầy là vinh dự cho viện Pasteur và số tiền nhận được sẽ giúp
cho các cuộc thí nghiệm trồng cây quinquina".
Ông không hãnh
diện, không phô trương huy chương. Đây là một đoạn thư ông viết cho mẹ năm 1890
khi ông hai mươi bảy tuổi :" Mẹ hãy tưởng tượng xem ông Pasteur đã xin được
cho con huân chương của Hàn lâm viện. Các thành viên của viện đại học Pháp rất
mong muốn có được tấm huân chương màu tím này, song bản thân con lại không hề
thấy mình xứng đáng được nhận".
Khi Vua Bảo Đại
trao tặng bội tinh Kim Khánh cho ông, vì phép lịch sự ông buộc lòng phải cho
Vua Bảo Đại đeo Kim Khánh vào cổ mình, nhưng khi vừa bước xuống, ông đã e lệ
dùng chiếc mũ ép lên ngực che hết chiếc huân chương Kim Khánh. Năm 1938, trường
trung học Đà Lạt muốn có một bức tượng bán thân của Yersin, ông cương quyết từ
chối làm mẫu.
Khi Toàn Quyền
Decoux muốn biết tên những người quyền quí, danh tiếng, mà Yersin đã gặp, ông
trả lời :"Ở Đông Dương tôi ít giao thiệp với những hạng người ấy."
Thật ra Yersin
đã có lần gặp nhiều người danh tiếng. Năm 1896, Thống Chế Lyantey (lúc bấy giờ
là thiếu tá) đến Nha Trang có ghi vào sổ tay :"Vị bác sĩ trẻ này tận tụy với
vi trùng học, nghiên cứu, chế tạo "vắc-xe" với một niềm tin tưởng, ý
chí đam mê của một nhạc sĩ cao siêu. Những giờ thăm viện của ông làm phấn khởi
tinh thần, mặc dầu viện còn thô sơ."
Người con hiếu thảo
Xa nhà, dầu ở
Pháp, Việt Nam hay Trung Quốc, hầu như tuần lễ nào ông cũng viết thư cho mẹ.
Tính đến khi mẹ ông mất, năm 1905, ông đã gởi ngót 1000 bức thư, cho bà biết sức
khỏe và công việc hằng ngày của mình.
Khi mẹ mất rồi,
Yersin tiếp tục gởi thư cho chị là bà Emilie.
Trong thư nhiều
khi đầy vẻ hài hước, như khi ông ở Hồng Kông viết cho mẹ: "Con còn nhiều
điều nữa muốn thưa với mẹ, nhưng có hai xác chết đang chờ con. Họ muốn ra nghĩa
địa cho sớm. Tạm biệt mẹ thân yêu. Mẹ rửa tay sau khi đọc thư này kẻo bị lây dịch
hạch, mẹ nhé."
Yersin nhà nhân ái
Noel Bernard viết
về A. Yersin có câu: "Ít có người không vụ lợi như Yersin. Khiêm tốn, giản
dị, lịch sự".
Ông ăn mặc xoàng
xĩnh bộ đồ kaki bạc màu cũ kỹ, áo khoác bốn khuy ba túi, áo sơ-mi vải trắng hở
cổ, quần kaki trên rộng dưới hẹp giặt sạch mà không bao giờ ủi. Giày vải bố.
Trong túi ngực bên trái đựng một cái đồng hồ trái quít đeo bằng một sợi dây gai
đỏ. Phải nói rằng Yersin không thiếu đồng hồ. Năm 1945, người ta tìm thấy trong
tủ sắt của viện Pasteur Nha Trang rất nhiều đồng hồ trái quít chế tạo tại Thụy
Sĩ, phần lớn bằng vàng, dây đeo cũng bằng vàng, bên trong cái nắp đều có dòng
chữ: Chế tạo riêng cho Bác Sĩ Yersin.
Ngày 22 tháng 11
năm 1920, ông đáp tàu Paul Lecat đi Marseille. Một phục vụ viên trẻ của tàu
không biết ông, cương quyết không cho ông vào phòng ăn. Nội qui của tàu bắt buộc
phải thắt cravate khi bước vào phòng khách. Yersin trở về cabine. Sau đó, ông
quay lại phòng ăn nói với phục vụ viên: "Chiếc cravate nầy cậu có chấp nhận
không?" Vừa nói ông vừa chỉ tay vào chỗ hở ở cổ áo nơi ông vừa đút tấm
huân chương "Bắc Đẩu Bội Tinh" vào.
Năm 1925, một buổi
sáng ông đến hãng xe gặp một người khách sang trọng từ Pháp mới tới. Tên nầy thấy
ông ăn mặc xoàng xĩnh buột miệng kêu lên: "Tên bụi đời lang thang nầy làm
gì ở đây?
Bữa ăn của ông
thường đạm bạc. Món ăn ông ưa thích thường ngày chỉ là món xúp rau cải ăn với
bánh mì hoặc biscotte. Trong thời gian chiến tranh ông phải ăn bánh tráng thay
cho bánh mì. Ông thích ăn cá hơn là thịt. Các loại cá được ông ưa chung là cá
thu, cá mú.
Món rượu khai vị
của ông thường chỉ là thứ nước có bột quinquina do ông tự chế. Nước uống đôi
khi ông dùng nước lá sả mà ông bảo rằng dễ tiêu hoá. Có lần đi thám hiểm vùng
cao nguyên, ông chỉ ăn cơm không trong hai tháng.
Vì Nha Trang thường
có bão táp, Yersin nghiên cứu về khí tượng, thời tiết để giúp ngư dân.
Ông cho làm hai
cái bồ to, có đường kính một mét, trên sơn màu đen. Khi có bão, hai cái
bồ được kéo lên hai cây cột bằng phi lao trên núi Sinh Trung
để báo hiệu.
Tháng 11 năm 1939, đoán biết rằng một cơn bão lớn sẽ đổ vào
bờ biển Nha Trang, Yersin vi tập trung tất cả ngư dân xóm Cồn vào trong nhà
mình. Cơn bão biển dữ dội đêm ấy đã cuốn trôi nhiều nhà cửa xóm Cồn, nhưng bà
con vẫn an toàn.
Từ hôm ấy,
Yersin được nhiều người dân xóm Cồn tặng cho biệt hiệu "người đã trị con
sóng thần".
Viết về Yersin,
và viện Pasteur Nha Trang, Henri Jacotot đã có những lời ca ngợi tốt đẹp :
"Trong những
thời điểm quan trọng, Yersin luôn luôn sống trong tình trạng báo động thường trực
cả ngày lẫn đêm." (Yersin et son temps,
H. Jacotot-1937)
Chẳng những lo bảo
vệ dân chúng tránh tai nạn bão lụt, Yersin còn luôn luôn tỏ ra nhân ái đối với
người dân ở Nha Trang, nên ông được người Việt yêu chuộng và kính phục. Ông tự
coi mình như một người dân trong làng, một người có phần may mắn hơn ngườI
khác, vì vậy ông thấy có bổn phận an ủi và giúp đỡ thuốc men.
Một hôm đi xe đạp
từ nhà đến sở, ông bị một tài xế bất cẩn đụng ngã. Không nói một lời nào, ông vội
vã dựng xe đạp lên, rồi đi đến viện để băng bó, không đá động gì đến người tài
xế có lỗi.
Lần khác ông gặp
người nông phu nằm ngủ trong xe bò dưới gốc cây bàng. Mặt trời lên cao, bóng
mát thay chiều, ông bảo những người phụ tá đẩy xe bò vào chỗ mát.
Ông rất thương
yêu trẻ con xóm Cồn, thường chiếu phim cho chúng xem. Trẻ con cũng thích ông
chia kẹo hằng ngày cho chúng. Một hôm, chúng đánh vỡ chậu hoa, ông bảo người
giúp việc: "Đừng rầy đánh, người ta sợ."
Ông thường đọc
báo chí Việt ngữ. Một hôm đến viện ông trao cho ông Bùi Quang Phương, người cộng
sự từ năm 1897, bài thơ Năm Cụ Ông chép trong báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc
Kháng nói về năm bộ trưởng đương kim bị cách chức và thay thế bằng năm người
khác do Pháp chỉ định. Bài thơ khó hiểu vì có nhiều nghĩa bóng.
Yersin rất nhẫn
nại tử tế vớI những người cộng sự bản xứ, khôn bao giờ to tiếng, không bao giờ
thị oai.
Ông Năm
Người dân Nha
Trang gọi ông là Ông Năm vì theo ngạch nhà binh ông là Y sĩ Đại tá. Một tác giả
Pháp Elisabeth Duclosel ghi ông là Nam, bác sĩ Annam, là sai.
Ông sống thanh đạm
độc thân, tiết chế xa hoa nhục dục.
Elisabeth
Duclosel thêu dệt cho ông một quan hệ tình ái giữa ông và một công chúa của bộ
lạc Rhadé, thật đáng buồn cười.
Yersin đến với
người Việt Nam bằng một tấm lòng chân thật. Đó là chìa khoá kỳ diệu đã mở cửa
cho ông đi vào tình cảm của người Việt Nam.
Ông ra đi rất
thanh thản, ngày 01 tháng 03 năm 1943 vào lúc 01 giờ sáng, vừa đúng tám mươi tuổi.
Một ngày trước
khi từ giã cõi đời, ông còn ngồi trên ghế xích-đu dùng ống dòm đo mực thủy triều.
Mặc dầu có lời
căn dặn của ông trong di chúc muốn được an táng đơn giản, đám táng của ông to lớn
chưa từng thấy ở Việt Nam. Ngoài đại diện của chánh quyền còn vô số người Việt,
người Pháp, người Chà, người Hoa, người Thượng. Dân chúng bày hương án hai bên
đường từ Nha Trang lên tận Suối Dầu nơi an táng ông.
Trong năm mươi bảy
năm hoạt động khoa học (1886 - 1943) Yersin đã công bố năm mươi lăm công trình
và bốn mươi tác phẩm về y học, trong đó có mười ba đề tài chuyên cứu về dịch hạch,
và mười lăm đề tài chuyên về nông nghiệp trồng cây quinquina và hévéa.
Người dân Việt
Nam vẫn tiếp tục tôn thờ Yersin. Hà Nội, Sài Gòn, Nha Trang, vẫn còn giữ nguyên
đường Yersin.
Bên cạnh mộ Yersin có xây một cái miếu nhỏ
đặt ảnh ông và hương án. Tại chùa Linh Sơn và Long Tuyền có bàn thờ ông bên cạnh
bàn thờ Phật, mặc dầu lúc sanh thời, người dân Nha Trang không hề thấy Yersin
bước chân vào chùa hoặc nhà thờ.
Mỗi năm đến ngày
01.03 người dân Nha Trang đến đốt hương và nghiêng mình trước mộ Yersin.
Yersin mãi mãi
đi vào lòng của người Việt Nam. Đó là đền Panthéon của Ông Năm và ông còn sống
mãi mãi, vì đại văn hào Lỗ Tấn có nói :
"Người chết
chỉ thật là chết, khi không còn tồn tại trong lòng người sống nữa."
" Người quá
khứ mà hình ảnh còn tồn tại trong lòng người sống, thì chưa hẳn là chết."
Di chúc của Bác Sĩ Alexandre Yersin
***Tôi muốn được
chôn ở Suối Dầu. Yêu cầu ông Bùi Quang Phương giữ tôi lại tại Nha Trang, đừng
cho ai đem tôi đi nơi khác. Mọi tài sản còn lại xin tặng hết cho viện Pasteur
Nha Trang, và những người cộng sự lâu năm.
Đám táng làm giản
dị, không huy hoàng không điếu văn.***
Những kỷ vật của
ông còn lại, viện Pasteur Nha Trang đã trân trọng giữ gìn. Chiếc giường, ghế
xích-đu, bàn làm việc, ghế ngồi, tủ sách, kính hiển vi, kính viễn vọng, đều được
trưng bày trong viện Bảo Tàng Nha Trang.
VĂN BÁ
(Bác sĩ Nguyễn văn Ba, Paris, France)