Những con ngựa chiến phi nước đại tới thành công đầy lãng mạn

Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

Chào mừng các thầy thuốc Lư Sơn Quế Lâm

Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam xin gửi tới các bạn tấm thiếp này


Nhân ngày này tôi nhớ đến một người thầy thuốc đặc biệt Alexandre Yersin, tôi nghĩ đây chính là một tấm gương điển hình của một người hành nghề y 

Tôi tìm lục trên Google và thấy hàng loạt bài viết rất hay nhưng cuối cùng tôi chọn trên Cỏ thơm bài viết từ năm 2002 của Bác sĩ Nguyễn Văn Bá tại Pháp tôi xin ghép cùng với các tư liệu ảnh khác để giới thiệu về ông


Bác sĩ Alexandre YERSIN
Người có công với Việt Nam

Bài thuyết trình tại Hội Hành Thiện ngày 27/10/2002
của bác sĩ NGUYỄN VĂN BA

Tháng Tám năm 2000, đi viếng thăm Viện Bảo Tàng A. YERSIN, lúc ký tên vào sổ vàng, chúng tôi liếc qua những lời ghi chú của các quan khách, thấy phần đông đều một ý như nhau : "Tại sao một nhà bác học lớn, một nhà nhân ái tầm cỡ như thế, mà trong quê hương ông ít ngườI được biết tiếng ?" Không một bịnh viện nào, không một trường học nào mang tên của ông. Tại Paris có công trường Yersin, nhưng rất xa trung tâm thành phố.
Thắng bịnh dịch hạch, ân nhân của nhân loại, vị tha, quên mình, Yersin là người đã chiếm tình cảm dân tộc Việt Nam một cách êm thắm. Đi trước thế kỷ của mình, ông là người mở đầu trợ giúp cho các xứ nhược tiểu, phát triển về trồng trọt, chăn nuôi và y tế.
Nếu các nhà lãnh đạo của những nước giàu mạnh theo gương A. Yersin, thì các dân tộc trên thế giớI sẽ được hoà hợp với nhau.

Long Vân Khánh Hội

Du khách đến Nha Trang bằng đường hàng không, hoặc đường bộ, tàu hoả, không nhận thấy tất cả vẻ đẹp của Nha Trang bằng tàu thủy.
Ngoài khơi, những hòn đảo xinh xắn, hàng ngàn mỏm đá nhấp nhô trên mặt nước, làm cho du khách nhớ đến cảnh Hạ Long.
Tàu chầm chậm len lỏi giữa mỹ cảnh thiên nhiên, và trước mặt du khách hiện ra một bãi biển cát mịn nhìn mút mắt trải dài từ Hòn Chồng đến Cầu Đá. Tháp Chàm PONAGAR xây từ thết kỷ 12 thêm một nét độc đáo không nơi nào có. Cất trên một hòn cẩm thạch cao 23 thước, nhìn xuống dòng sông Nha Trang.
Sau Nội Địa, rừng núi thẩng tắp đến chân trời. Vầng thái dương chiếu quanh năm, nhưng khí hậu rất ôn hoà, và trên không trung bầu trời xanh thẳm hiến cho du khách một nơi giải lao tuyệt diệu.
Cách đây trên một thế kỷ, ngày 29/07/1891, một thanh niên Pháp 28 tuổI, mảnh khảnh, rụt rè mà cương quyết, y sĩ của tàu hàng hải thương thuyền, đặt chân lên bờ biển Nha Trang và bị chinh phục bởi vẻ đẹp của đất nước này. Thanh niên ấy chính là bác sĩ Yersin, nhà bác học tương lai, về sau chiến thắng bịnh dịch hạch, lừng danh thế giới, có lòng nhân ái, suốt đời gắn bó với đất nước dân tộc VI_T NAM và được tôn sùng như thần thánh.
Yersin phát nhận Nha Trang chẳng khác nào rồng gặp mây :'Long Vân Khánh Hội".

Thời niên thiếu




Alexandre Yersin sanh ngày 22 tháng 9 năm 1863 tại hạt Lavaux tổng Vaux tỉnh Morges, tây nam nước Thụy Sĩ. Cùng năm ấy, Henri Dunant ngườI Thụy Sĩ phát động phong trào hồng thập tự quốc tế. Cha là Jean Yersin giái sư Khoa học Tự nhiên tại trường trung học ở Morges nổI tiếng vớI những công trình nghiên cứu về côn trùng học, mất năm ba mươi tám tuổI, ba tuần trước khi Alexandre Yersin ngườI con thứ ba của ông ra chào đời.

Ngoại tổ của A. Yersin là gốc ngườI Pháp sang định cư ở Thụy Sĩ, để lánh nạn kỳ thị tôn giáo Tin-Lành, dướI thờI vua Louis 14 khi chánh quyền Pháp hủy bỏ sắc lệnh thành Nantes.
Thời niên thiếu A. Yersin học tại Lausanne đỗ tú tài năm 1882. Năm 1883 vào học ngành y trong viện hàn lâm cũ của Lausanne. Sau đó, Yersin thi vào trường Đại học ở MARBURG, nước Đức, và một thời gian sau sang Paris. Tại đây A. Yersin được giáo sư Cornil chuyên ngành bện thể, nhận vào giúp việc Cornil trong cơ quan của ông ở Hôtel Dieu.
Một buổi sáng thánh 4 năm 1886, tại bịnh viện Hôtel Dieu, trong buổI thực tập, A. Yersin được giớI thiệu với giáo sư Émile Roux. Chẳng mấy chốc giáo sư Émile Roux đã nhận thấy tính chuyên cần, ham học, ham làm của A. Yersin. Bãy giờ Émile Roux làm phụ tá cho nhà bác học Louis Pasteur tại phòng thí nghiệm của trường cao đẳng sư phạm ở đường Ulm quận 5 Paris. Ngoài giờ làm việc tại Hôtel Dieu, A. Yersin được phép đến phòng thí nghiệm đường Ulm, thực tập. Một mặt, A Yersin lo làm luận án tiến sĩ y khoa "Bịnh lao thực nghiệm", một mặt cộng tác vớI Émile Roux, nghiên cứu vi khuẩn bịnh "bạch hầu".
A. Yersin cũng được nhà bác học Louis Pasteur lưu ý. Ông bà Pasteur mời Yersin cùng Émile Roux dự buổi ăn tối tân niên 1888.
Trong thư gởi cho mẹ, A. Yersin kể : Đúng 8 giờ, con và ông Roux rời phòng thí nghiệm để lên phòng của ngài Pasteur, chỉ cần băng qua sân của trường. Bữa ăn tối rất ngon và thoải mái. Sau đó, các vị hút thuốc (dĩ nhiên là không có con). Kế đó, mọI người sang phòng khách. Ngài Pasteur đề cập đến công trình nghiên cứu rất quan trọng do ông Roux vừa thực hiện, và đăng trong số chót của tập biên niên viện Pasteur. Đúng như thế, công trình nghiên cứu này chứng minh có thể chủng ngừa một số bịnh nhiễm trùng nặng, không phải bằng những vi khuẩn gây bịnh, vì dù đã bị làm yếu đi, chúng vẫn còn nguy hiểm, mà dùng độc tố những vi khuẩn tiết ra, nghiã là với một hoá chất hoàn toàn mất sinh lực. Ngài Pasteur cũng có nói về con, là sau khi tốt nghiệp bác sĩ, con sẽ là thành viên tích cực cuả viện Pasteur.
Năm 1888, A. Yersin vừa đúng 27 tuổI trình luận án tiến sĩ y khoa "Bệnh lao thực nghiệm", và được nhận làm phụ tá cho giáo sư Émile Roux, trong viện Pasteur vừa khai trương năm ấy tại Paris.
Năm 1889, A. Yersin được chấp nhận vào quốc tịch Pháp. Năm ấy trùng với lễ bách niên của cuộc "Cách mạng Pháp" và khánh thành tháp EIFFEL.
Dưới sự hướng dẫn của Émile Roux,
A. Yersin tìm ra độc tố của vi khuẩn bạch hầu.Từ bỏ đường công danh để theokhuynh hướng thiên nhiên
Một tương lai rực rỡ đang chờ Yersin ở viện Pasteur, nhưng là người thích mạo hiểm thích phiêu lưu, A. Yersin không thể nào mãi mãi tự giam mình trong phòng thí nghiệm. A. Yersin muốn vẫy vùng cho thỏa chí, thường nói với các bạn : Tôi luôn luôn mơ ước khám phá nơi nầy nơi nọ và thám hiểm ; Khi ta còn trẻ không có gì là không thể được. NgườI hiểu A. Yersin hơn ai hết có lẽ là Noel BERNARD nguyên giám đốc viện Pasteur Saigon. Theo ý ông : A. Yersin muốn thoát ly khỏi những mối lo âu gia đình, những tham vọng về danh lợI, và địa vị không bao giờ thoả mãn, muốn ra khỏi lề lối ràng buộc.
Thế rồi tháng 9.1890, A. Yersin đáp tàu sang Viễn Đông giữa sự bàng hoàng của các thày các bạn. Ông sang Viễn Đông không phải với tư cách một sứ giả khoa học, mà chỉ vớI tư cách một bác sĩ làm công hợp đồng cho hãng "Vận Tải Hàng Hải". Pasteur đã viết trong nhật ký của mình ngày 23.10.1892 :"Bỗng nhiên ý định cuồng nhiệt của Yersin không ai ngăn nổi. Không làm sao cầm giữ ông lại bên cạnh chúng tôi nữa."

Đất lành chim đậu Yersin làm việc trên chiếc tàu chạy dọc bờ biểm Việt Nam nối liền Sài Gòn, Nha Trang, Hải Phòng. Lần đầu tiên, mặc dầu thấy Nha Trang từ đằng xa, Yersib đã bị chinh phục. Ông ghi trong sổ nhật ký : Ngày 6.5.1891 : "Rời Sài Gòn phải mất 28 tiếng đồng hồ mới đến Nha Trang tàu phải neo cách bờ một dậm, và chỉ đậu lại một giờ, vì thế không lên bờ được. Thật đáng tiếc vì vùng nầy có nhiều núi non và phong cảnh rất ngoạn mục. Trong rừng đầy cọp...
Lần sau, Yersin xin phép lên bờ với chiếc thuyền độc mộc mà ông đem theo. Đó làngày 29.7.1891. Phong cảnh hữu tình, bờ biển cửa sông các đảo ngoài khơi, màu sắc rực rỡ của một vùng quê nhiệt đới, khí hậu ôn hoà, chinh phục Yersin. Ông quyết định chọn Nha Trang làm quê hương thứ ba, làm việc và sống chết ở đây.
Năm 1896, A. Yersin viết thư mời Émile Roux đến làm việc chung với ông. Ông tán dương vẻ đẹp quyến rũ của đất nước Việt Nam, và sự niềm nở của dân chúng ở đó.

Nhà thám hiểm

Sau khi tìm được mảnh đất lành, A. Yersin xin thôi việc ở "Vận Tải Hàng Hải". Bác sĩ A. Calmette cũng là môn đệ của Pasteur, đến Sài Gòn lập chi nhánh viện Pasteur, mời ông cộng tác, ông từ chối vì muốn đi thám hiểm vùng cao nguyên Trung Việt.
Đầu tiên ông muốn tìm một đường bộ nối liền Nha Trang với Sài Gòn. Từ Nha Trang, ông đi ngựa ra Phan Rí rồi thuê một người dân thiểu số dẫn đường vào rừng. Đến Di Linh gặp nhiều trở ngại đành quay lại Phan Thiết, lấy thuyền về Nha Trang.

Lần thất bại nầy không làm ông nản chí. Yersin quyết tâm thám hiểm các miền rừng núi dọc theo dãy Trường Sơn.
Thời bấy giờ các vùng ấy còn là những nơi bí hiểm, rừng thiêng nước độc. Ngoài các bộ lạc thiểu số không khuất phục triều đình, ít ai đặt chân đến nơi hoang vu ấy.
Ngày 23.9.1892, Yersin lên đường đi thám hiểm lần thứ nhứt, cùng với một ngườI bồi và năm ngườI cộng sự Việt Nam, đem theo máy kinh vĩ để ghi toạ độ các làng mạc của các dân tộc thiểu số.
Từ Nha Trang ông ra Ninh Hoà, lên Ban Mê Thuột, đến Stung Treng, nằm trên bờ sông Cửu Long, về Pnom Penh rồi theo đường thủy ra Phú Quốc về cảng Sài Gòn.
Trong thờI gian hai tháng rưỡi, Yersin đã thành công việc quan sát các bộ lạc thiểu số, chụp 140 ảnh giá trị, và vẽ hoạ đồ những vùng đã trải qua. Ông đã phát giác những phụ lưu của sông Cửu Long phát nguyên tại Trường Sơn chảy đến Stung Treng.
Yersin thực hiện cuộc thám hiểm nầy với tính cách cá nhân, không có sự trợ giúp của chánh quyền.
Tháng 10.1892, Yersin về Paris để tường trình những kết quả đã thâu thập với các giới thẩm quyền, hầu mong được viện trợ cho các cuộc thám hiểm khác. Sau nhiều lần thất bại, nhờ người quen giớI thiệu ông được bộ quốc gia giáo dục tặng 15 000 quan Pháp, và gởi gắm ông cho De Lanessan.
Ngày 29.1.1893, tại Sài Gòn, Yersin gặp Jean Marie De Lanessan, toàn quyền Đông Dương, giao cho ông nhiệm vụ thám hiển vùng Sơn Lâm phiá nam Trung Việt, nghiên cứu phương án làm đường đi đến các vùng dân tộc thiểu số, khai thác khoáng sản và lâm sản, cùng khả năng chăn nuôi.

Phát giác cao nguyên Lâm Viên


Ngày 29.1.1893, ông khởi hành từ Biên Hoà có 4 người Việt phụ tá. Sau khi vượt qua núi rừng hiểm trở và các làng mạc của dân tộc thiểu số, ngày 21.6.1893 Yersin phát giác Cao Nguyên Lâm Viên, cao 1500 thước, tức thành phố Đà Lạt ngày nay. Yersin ghi trong sổ tay : Ấn tượng thật là sâu sắc. Từ trong rừng thông bước ra, tôi thấy ngay trước mặt khu cao nguyên rộng lớn trơ trụi, giống như mặt biển đang cuộn lên những đợt sóng xanh rì. Rặng núi Lâm Viên vớI 3 đỉnh cao 2000 thước, vươn lên từ chân trời phiá tây bắc, tạo nên bức phông hùng tráng làm tăng vẻ diễm lệ của vùng nầy.
Năm 1899, Paul Doumer toàn quyền Đông Dương cho thiết lập nơi ấy một trung tâm nghỉ mát cho ngườI Âu Châu, sau này là thành phố Đà Lạt. "Đà Lạt" là tên gọi của địa phương do ở đó có nhiều suối lớn, sông dài và có dân tộc L_T cư ngụ. Giải thích khác của một cố đạo bằng tiếng La Tinh là sai lạc.
Lần ấy, trên đường về, đoàn thám hiểm bị phục kích. Yersin bị thương phải đưa võng về Phan Rang. Kẻ tấn công ông là tù chánh trị thoát ngục. Một tuần sau, dân quân bắt lại được 40 ngườI trong 56 ngườI vượt ngục, có cả ngườI chỉ huy tên Thục, cao lớn và thanh lịch. Yersin viết thư cho mẹ về cuộc hành hình của tù chánh trị : "Hôm nay, Thục bị xử trảm. Con có dự. Thật ra rất là ghê tởm. Sau nhát gươm thứ tư đầu mới rơi. Hơn nữa, Thục rất trầm tĩnh. Những người Việt Nam chết can đảm khác thường".
Ngày 12.2.1894 Yersin lại lên đường thám hiểm lần thứ ba. Ngoài 54 ngườI tùy tùng còn có một toán lính tập mang súng đi theo hộ vệ. Yersin khảo sát những vùng từ Lâm Viên đến Đarlac rồi xuyên qua Trường Sơn đến Attopeu điạ phận Ai Lao. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông đi về phía Đông, xuyên Trường Sơn lần nữa rồi tới Tourane (Đà Nẵng).
Chuyến này gay go cực nhọc hơn trước. Ngày 11.4, ông ghi trong sổ tay : Đường đi thật là khủng khiếp. Trong 4 ngày liên tiếp, chúng tôi phải vượt qua một vùng núi hiểm trở, trèo xuống, leo lên, cứ đơn điệu như thế mãi làm cho chúng tôi rất mệt mỏi. Cây cối chen chúc. Không có đường mòn. Chúng tôi phải khòm lưng chui qua các bụi tre. Vì trờI mưa nên rừng có nhiều vắt không thể tả được. Những người Việt Nam đi cùng với chúng tôi bị sốt rét mặc dầu đã uống thuốc ngừa... Chúng tôi đi qua các làng của bộ tộc Keuyong, Jri Taseng, rất cực nhọc.

Một khúc quanh lịch sử trong đời Yersin

Năm 1892, ít lâu sau vụ thám hiểm lần thứ nhứt, Calmette khuyên Yersin nên gia nhập đoàn y sĩ hải ngoại để khỏi lo về mặt tài chánh. Chính trong khi giữ chức vụ nầy, Yersin có cơ hội tìm ra vi khuẩn bịnh DịCH H_CH. Yersin không đoán trước được rằng nhiệm vụ mới nầy sẽ đưa ông đến đài vinh quang, và ông phải cần viện Pasteur bảo trợ như trước.
Bác sĩ Alexandre YERSIN (1863 - 1943)


Khám phá ra vi khuẩn gây bịnh dịch hạch

Từ năm 1866, bịnh dịch hạch phát hiện ở Côn Minh, thủ đô tỉnh Vân Nam; Năm sau lan đến Quảng Đông, suốt 28 năm dịch hạch tiềm tàng ở Vân Nam và Quảng Đông đe doạ Bắc Việt.
Năm 1892, Yersin đã báo cho Toàn quyền De Lanessan biết cái hiểm hoạ ấy, nhưng De Lanessan trả lời: Không có bịnh dịch hạch ở Vân Nam, mà dầu có đi nữa tôi cũng nói là không. Xứ Bắc Kỳ đã khổ rất nhiều, không cần phải đem dịch hạch gán lên lưng.
Sau khi đã sát hại gần 100000 người, dịch hạch tràn sang Hương Cảng. Bấy giờ chánh phủ Pháp mới quyết định gởi một phái bộ sang nghiên cứu dịch hạch, và tìm biện pháp để ngăn không cho nó lan xuống Việt Nam. Yersin được biệt phái sang Vân Nam để tìm căn do bịnh dịch hạch. Nhưng lúc bấy giờ dịch hạch đã lắng dịu ở Vân Nam mà lại đang hoành hành ở Hồng Kông. Yersin muốn xin sang Hồng Kông, nhưng Toàn quyền Chevassieux không dám cãi lịnh Paris. Sau nhờ Calmette can thiệp, chánh phủ Pháp thuận cho Yersin sang Hồng Kông.
Yersin đến Hồng Kông ngày 15.06.1894. Trước mắt ông là một Hồng Kông điêu tàn. Dân số Hồng Kông lúc bấy giờ khoảng 200 000 người, nhưng hơn phân nửa sợ lây đã bỏ chạy nơi khác. Tỷ lệ tử vong lên đến 15%.
Sir Robin Toàn quyền Hồng Kông và bác sĩ Lawson giám đốc bệnh viện Kennedy Town tiếp Yersin một cách lạnh lùng.
Tại bệnh viện Kennedy Town, Yersin chạm trán với phái đoàn y tế Nhật gồm sáu người do giáo sư Kitasato hướng dẫn. Họ đến Hồng Kông trước Yersin ba ngày. Kitasato là môn đệ của giáo sư Koch, đã sống ở Berlin bảy năm. Yersin muốn gợi chuyện với Kitasato bằng tiếng Đức, thì Kitasato giả bộ không hiểu và bật cười: "Tôi hiểu tiếng Đức chứ không hiểu thổ ngữ Thụy Sĩ".
Giáo sư Kitasato và ban trị sự bệnh viện tìm đủ mọi cách cản trở công việc của Yersin. Người Nhật được quyền sử dụng một phòng thí nghiệm tại bệnh viện, và độc quyền mổ xác bệnh nhân chết vì dịch hạch để nghiên cứu.
Yersin đành thuê thợ làm một túp lều tranh hai phòng, một để làm việc, một để ở. Ngày 22.06.1894, Yersin dọn dụng cụ vào đấy.
Yersin thấy Kitasato tìm vi khuẩn dịch hạch trong máu thì biết là ông ấy đã sai lạc. Theo Yersin, phải tìm vi khuẩn đó trong hạch.
Không được mổ công khai thì Yersin phải mổ lén.
Nhờ sự giúp đỡ của giáo sĩ Vigano, và cho tiền những thủy thủ Anh có nhiệm vụ đem các xác chết đi chôn, Yersin đã được xuống hầm chứa xác vài giờ trước khi xác được đưa ra nghiã địa. Ông phải gạt lớp vôi phủ xác chết, tự cắt hạch từ xác chết đem về phòng thí nghiệm của mình.
Kính hiển vi cho thấy hằng hà sa số những hình ảnh đồng nhất của các vi khuẩn có hình gậy, hai đầu tròn, nhuộm Loeffler màu nhạt.
Yersin tiêm vi khuẩn vào chuột thì hai mươi bốn giờ sau chuột chết. Các thú vật thí nghiệm khác thì chết từ hai đến sáu ngày và trong tử thi đầy hạch.
Không còn nghi ngờ gì nữa. Trong khoảng thời gian bảy ngày, Yersin đã tìm ra vi khuẩn dịch hạch. Ông gửi về viện Pasteur Paris một số ống nghiệm đầy kín chất lấy ra từ hạch bịnh.
Yersin mời bác sĩ Lawson đến phòng thí nghiệm của mình trong lều tranh và chỉ cho Lawson xem các vi khuẩn tìm được. Ông cũng khiếu nại với quan thống đốc về việc ông bị cản trở không được mổ tử thi. Từ đó bệnh viện dễ dãi cho ông đôi chút.
Nhiều năm sau kéo dài một cuộc tranh luận sôi nổi, xerm ai là người đầu tiên đã tìm ra vi khuẩn dịch hạch.
Mặc dầu có tài liệu công bố của viện Pasteur Paris, sách báo y học Anh ngữ vẫn cho rằng  Kitasato là ngườI đầu tiên đã tìm ra được vi khuẩn dịch hạch, hoặc Kitasato và Yersin tìm ra vi khuẩn cùng một lúc và gọi vi khuẩn Kitasato-Yersin. Cuối cùng, năm 1975 Hội nghị Sinh vật học Thế giới lần thứ Mười đã quyết định cho vi khuẩn mang đúng tên người đã khám phá ra nó "Yersinia-Pestis".
Khi đến Hồng Kông, Yersin đã nhận thấy chuột chết rất nhiều dọc đường, và khi mổ xác chuột, ông tìm thấy hạch đầy vi khuẩn, cho thấy rằng bịnh dịch hạch do chuột truyền nhiễm. Ông đưa ra lý thuyết là vi khuẩn lây qua người do thức ăn bị chuột phóng uế, và vết loét. Chúng ta sẽ thấy rằng lý thuyết này không đúng.
Khi dịch hạch tại Hồng Kông đã lắng dịu, Yersin về Pháp để cùng Roux, Calmette, Borrel nghiên cứu thuốc chủng (vaccin) để ngừa, và huyết thanh (sérum) để trị dịch hạch. Ông đến Pháp tháng Tư năm 1895. Pasteur sức khoẻ bị suy kém nhiều nhưng cũng đến khen Yersin.
Để hết tâm trí và thời giờ vào công việc, ông từ chối không làm cha đỡ đầu cho đứa cháu trai con người anh, và ông cho mẹ ông hay lúc nào công việc tiến hành khả quan thì ông mới về Morges thăm mẹ.
Việc chế tạo huyết thanh đã hoàn thành, Yersin xin trở lại Nha Trang lập một phòng thí nghiệm để chế tạo thật nhiều huyết thanh phòng khi cứu trợ bệnh nhân các nước láng giềng.
     
Thành lập viện Pasteur Nha Trang
      Với 5000 đồng bạc do toàn quyền Đông Dương trợ cấp, Yersin lập một phòng thí nghiệm đơn sơ tại bờ bể Nha Trang, và cất tại thành phố Khánh Hoà một trại nuôi trâu bò, lừa ngựa, cùng thỏ chuột, dùng cho việc thí nghiệm.
      Năm 1896, ông được chánh phủ biệt phái một viên thú y nhà binh là Pesas đến săn sóc thú vật.

Quảng Châu - Áo Môn

      Mùa Xuân năm 1896, dịch hạch lại phát hiện ở Quảng Châu, Áo Môn. Yersin đem huyết thanh đến nơi và cứu được nhiều người, nhưng ông rất buồn vì trọng lượng huyết thanh rất ít, không đủ điều trị cho tất cả bệnh nhân. Tháng 9 năm 1896, ông về Paris ba tuần lễ để xin thành lập một viện Pasteur tại Trung Quốc. Kết quả không được như ý. Sau hai mươi bốn giờ về thăm mẹ, Yersin trở lại Việt Nam.
     
Bombay
      Trên chuyến tàu từ Marseille đến Sài Gòn, Yersin nhận được điện tín của thị trưởng thành phố Bombay yêu cầu đến giúp vì dịch hạch bắt đầu xuất hiện tại đó. Về đến Nha Trang, ông thúc đảy việc chế tạo huyết thanh cho nhanh chóng và đem bảy trăm liều sang Bombay. Đến Colombo, ông nhận được tin Pesas, người thú y cộng sự vừa từ trần. Yersin rất đau lòng vì ông cho rằng Pesas bị nhiễm trùng dịch hạch trong lúc tiêm vào thú vật.
      Tại Bombay, kết quả của huyết thanh không được rạng rỡ. Số tử vong lên đến 50%, vì bịnh nhân đến điều trị rất trễ.
      Tháng 5 năm 1897, dịch hạch dịu dần và Yersin cũng hết huyết thanh, Roux gởi Simon sang thay cho Yersin, và chính Simon đã tìm ra được nguyên nhân làm lan truyền bệnh dịch hạch, từ chuột sang người. Đó là loại bọ chét sống ký sinh ở chuột. Chúng hút máu chuột bịnh đầy vi khuẩn rồi chích qua người.

Nha Trang

      Yersin về Nha Trang chưa kịp tăng cường sản xuất huyết thanh, thì lại phải đương đầu với dịch hạch lần nữa. Làn nầy nơi ông cư trú: Xóm Cồn Nha Trang.
      Ngày 23 tháng 6 năm 1899, một số người ở xóm Cồn đã chết vì bịnh dịch hạch. Nguồn gốc của bịnh là do các thuyền buôn Trung Quốc mang mầm bệnh đã ghé Nha Trang. Yersin cho sơ tán dân xóm Cồn và tiêm huyết thanh cho họ. Nhà cửa người bịnh thì đốt đi.
      Đến tháng 2 năm 1899, khi mọi người tưởng rằng dịch hạch đã được dập thì bịnh lại tái phát. Hai làng khác gần Nha Trang buộc phải áp dụng các biện pháp tiêu thổ tiêm phòng và di chuyển dân. Đến tháng 3 năm 1899, bệnh dịch hạch ở Nha Trang và xóm Cồn mới được dập tắt. Yersin băn khuăn cảm thấy như mình có lỗi trong những thiệt hại trên, đối với những người mà ông coi như ruột thịt của mình.

Yersin người đầu tiên đã đem khoa thú y vào Việt Nam
      Đông Dương là một vùng đất lấy nông nghiệp làm cơ bản. Trâu bò là sức kéo chủ yếu. Nếu trâu bò bị bịnh thì đời sống kinh tế của nông thôn bị đe doạ. Yersin thấy việc phòng chống dịch cho trâu bò hết sức quan trọng. Ông là người đi đầu trong công việc nghiên cứu, giải quyết vấn đề về dịch tễ của trâu bò và đặt nền móng cho công tác thú y ở Việt Nam.
      Năm 1904, Yersin, sau một thời gian thí nghiệm đã khẳng định ở Đông Dương có cả hai bịnh : nhiệt thán dịch tả trâu bò, và tụ huyết trùng trâu bò, trái hẳn với thuyết của các thú y trước cho rằng ở Đông Dương không có nhiệt thán dịch tả trâu bò.
      Yersin đào tạo một số cán bộ thú y cho toàn Đông Dương về phương diện bệnh lý và vệ sinh tiêm chủng. Các bác sĩ thú y người Pháp đến Đông Dương đều phải trải qua một đợt thực tập ba tháng tại viện Pasteur Nha Trang.
      Nhờ sự đóng góp rất lớn của Yersin trong khoa học thú y mà ngành chăn nuôi Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 đã vững bước tiến lên, và những thú y Việt Nam đã quen coi viện Pasteur Nha Trang là từ đường của nghề nghiệp. Từ năm 1899, viện Pasteur Nha Trang dần dần nghiên cứu sản xuất huyết thanh trị bịnh dịch tả trâu bò cùng các bịnh gia súc, kể cả thuốc thú y; còn thuốc dùng cho con người, họ nhường cho viện Pasteur Sài Gòn.

Nhập chủng thảo mộc

      Nơi nông trại Suối Dầu, lúc đầu Yersin trồng ngũ cốc để nuôi nhân công và súc vật. Khi việc sản xuất thuốc chủng (vaccin) và huyết thanh (sérum) bắt đầu ổn định, ông nghĩ ngay đến việc tìm một vài loại cây trồng để cung cấp một phần kinh phí cho hoạt động của viện Pasteur Nha Trang, vì Viện là một tổ chức tư nhân, không phải của nhà nước thuộc địa.

      a) Phát triển cây cao su (hévéa brasiliensis)

      Nhận thấy cao su trong tương lai sẽ đem lại một nguồn lợi lớn, năm 1897, Yersin với sự giúp đỡ của Vernet kỹ sư canh nông bắt đầu cho trồng cây cao su tại Suối Dầu năm 1909. Diện tích trồng cao su tại Suối Dầu lên đến 100 mẫu, lợi tức hàng năm một tấn rưỡi nhựa trị giá 15000 francs.
      Từ 1930 đến 1940, mỗi năm Suối Dầu sản xuất một trăm tấn nhựa khô. So với số lượng sản xuất của toàn miền Nam 100 000 tấn, con số nói trên không đáng kể, nhưng giúp viện Pasteur Nha Trang cân bằng ngân sách và khỏi phải xin trợ cấp.

      b) Nhập chủng cây quinquina

      Trận đại chiến thế giới lần thứ nhứt làm Việt Nam thiếu hụt thuốc Kí-ninh (quinine). Yersin nhập chủng cây quinquina trồng tại Hòn Bà, nhưng kết quả không được tốt. Năm 1923 cây nầy được đem trồng ở Dran Djiring và Diom, trên cao nguyên Lang Bian. Nhờ sự trợ giúp của Lambert, nhà hoá lý học, năm 1937-1938, diện tích trồng cây quinquina lên đến 671 mẫu. Nhân công đã bóc được 41 500 ki-lô vỏ, chế tạo được 3 227 ki-lô sulfate de quinine.

Yersin giám đốc trường y khoa Hà Nội
      Đương say sưa với công việc ở viện Pasteur Nha Trang thì bất thình lình năm 1902 Yersin được toàn quyền Đông Dương Paul Doumer mời ra Hà Nội nhậm chức hiệu trưởng trường Y Khoa.
      Việc xây dựng một trường Đại Học Y Khoa tại Đông Dương đã được nghĩ tới nhiều năm trước, và Hà Nội được chọn. Đối với giới cầm quyền Đông Dương thời đó, trường y khoa Hà Nội không chỉ là nơi đào tạo các thầy thuốc bản xứ, mà còn là một trung tâm văn hoá, khoa học, nhằm phát huy ảnh hưởng của nền văn minh tây phương, đặc biệt là của Pháp.
      Các vấn đề tổ chức chung và nhân sự được trao đổi với Brouardel, hiệu trưởng trường Đại Học Y Khoa Paris. Theo yêu cầu của bộ trưởng thuộc địa Decrais, một hiệu trưởng không được quá trẻ và phải đủ tư cách cùng uy tín để hoàn thành nhiệm vụ một cách đẹp đẽ. Thế là nhà bác học nổi tiếng Alexandre Yersin được chọn làm hiệu trưởng đầu tiên của trường Y Khoa Hà Nội.
      Khoá đầu tiên có 29 sinh viên được trúng tuyển: Bắc Kỳ 15 người, Trung Kỳ 5 người, Nam Kỳ 8 người, Cao Miên 1 người.
      Là nhà mô phạm và thích huấn luyện chuyên viên, A. Yersin ngoài chức hiệu trưởng, lãnh thêm nhiệm vụ giảng dạy các môn lý, hoá, cơ thể học.
      Nhưng khi Paul Doumer rời Đông Dương, toàn quyền Paul Beau muốn hạ thấp trình độ giảng dạy thì Yersin buột miệng kêu lên: "Chánh phủ Pháp muốn đào tạo y tá thay vì đào tạo thầy thuốc!" Rồi ông xin từ chức hiệu trưởng trường y khoa Hà Nội, trở về Nha Trang.
                

 Trường Trung học Đà lạt
Yersin tại trường Trung học Đà lạt 1935

Yersin dưới mắt người đồng thời

Các đồng nghiệp của ông Yersin tại viện Pasteur Paris và những người Pháp tại Đông Dương thấy ông phân tán trí thức lấy làm gai mắt, cho ông là một người kỳ dị. Càng gai mắt hơn nữa là ông thành công trên nhiều lãnh vực.
Luôn luôn tiên phong trong những lãnh vực mới, những phát minh tối tân, ông là một tư nhân đầu tiên có được:
- Máy phát thu bằng chữ morse để liên lạc Nha Trang, Suối Dầu, Hòn Bà;
- Máy thu thanh tân tiến, bắt được các đài bên Pháp;
- Kính thiên văn;
     
Năm 1910, ông lại muốn tậu một chiếc phi cơ, nhưng vì Đông Dương không có sân bay, ông đành bỏ dự định này. Trong khi công sứ tại Nha Trang chưa có xe nhà thì Yersin đã gởi mua tại Pháp chiếc Serpollet năm mã lực, chiếc xe Clément và một thuyền máy. Hai năm sau, ông bán lại chiếc Serpollet năm mã lực cho ông công sứ Nha Trang, rồi sang Paris tậu chiếc xe Serpollet sáu mã lực đem ra Hà Nội làm lác mắt chẳng những dân cư Hà Nội mà cả chánh quyền. Viên tướng chỉ huy quân đội Pháp còn nhờ ông đưa xe đi diễn binh qua cầu Long Biên. Tháng Giêng năm 1905, Yersin bán chiếc Serpollet sáu mã lực, tậu chiếc Serpollet mười một mã lực. Năm 1907, ông mua một chiếc Alcyon. Năm 1912, ông mua chiếc Clément Bayard mười lăm mã lực, nhưng khi chiếc xe này không chạy được nữa, ông trở lại dùng xe đạp. Đến năm 1925 vì cần phương tiện liên lạc giữa Nha Trang, Hòn Bà, Dran, Djiring, ông lại tậu chiếc Zèbre vừa mau vừa êm. Nhưng một hôm về ngang Phan Rang, ông suýt đụng một em bé, nên ông bán chiếc Zèbre, và từ đấy ông dùng lại xe đạp. Năm 1943, vì phổi yếu, ông dùng xích-lô. Nhắc đến Yersin, ai cũng hình dung một ông cụ già khiêm tốn ăn mặc xuềnh xoàng đi chiếc xe đạp cũ kỹ, quên rằng Alexandre Yersin đã làm bực mình các giới chánh quyền bấy giờ với những chiếc ô-tô tối tân. Luôn luôn tiên phong trong những lãnh vực mới, năm 1932, khi chuyến bay đầu tiên của hàng không Pháp nối liền Sài Gòn-Paris thì ông dùng máy bay để vận chuyển. Tháng 3 năm 1940, Yersin bảy mươi bảy tuổi, lấy máy bay về Pháp để dự buổi họp hằng năm của viện Pasteur Paris. Một cuộc hành trình rất gay go. Ngày 30 tháng 5 năm 1940, chuyến máy bay cuối cùng đưa ông về Việt Nam, trước khi quân đội Đức vào Paris.

Nơi cư trú của Yersin

      Yersin thích sống chung với người dân nghèo chài lưới và đã chọn cái lô-cốt hai tầng lầu bỏ hoang gần xóm Cồn và cửa sông cái. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí quyển XI về Khánh Hoà, đó là một đồn biên phòng rất lâu đời.
      Từ năm 1895, Yersin đã tạo lập cho mình chỗ ở tuyệt vời để hằng ngày quan sát và hoà nhập với thiên nhiên.
      Lô-cốt mỗi bề khoảng 7m50. Mỗi tầng có hành lang rộng bao bọc. Có thể đi dọc hành lang để quan sát. Ông bố trí tầng trệt là phòng ăn, tầng một là phòng làm việc và tầng hai là phòng ngủ. Về sau, nóc nhà làm thêm một vòng tròn để dựng kính thiên văn.
 Nhà ở và làm việc của Yersin tại Nha Trang

 Nhà ở của Yersin tại cao nguyên Lang Biang
Nhà bác học vị tha

     Đó là một người không chạy theo danh vọng, quyền lợi cho riêng mình.
     Ông đầu tư ngay số tiền kèm theo các giải thưởng vào các công trình đang thực hiện. Huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh đem lại cho ông 250 quan Pháp mỗi năm. Giải Audiffret của Hàn lâm viện Tâm lý và Chính trị có kèm theo 15000 quan Pháp. Ông dùng số tiền này tiếp trợ cho nền tài chánh Suối Dầu. Giải thưởng Lassen đem lại cho ông 8000 quan Pháp. Ông dùng ngay tiền đó vào việc mở đường mòn nói liền Suối Dầu-Hòn Bà.
      Tháng 12 năm 1927, khi nhận giải thưởng Leconte của viện Hàn lâm Khoa học, ông tuyên bố :"Giải thưởng nầy là vinh dự cho viện Pasteur và số tiền nhận được sẽ giúp cho các cuộc thí nghiệm trồng cây quinquina".
      Ông không hãnh diện, không phô trương huy chương. Đây là một đoạn thư ông viết cho mẹ năm 1890 khi ông hai mươi bảy tuổi :" Mẹ hãy tưởng tượng xem ông Pasteur đã xin được cho con huân chương của Hàn lâm viện. Các thành viên của viện đại học Pháp rất mong muốn có được tấm huân chương màu tím này, song bản thân con lại không hề thấy mình xứng đáng được nhận".
      Khi Vua Bảo Đại trao tặng bội tinh Kim Khánh cho ông, vì phép lịch sự ông buộc lòng phải cho Vua Bảo Đại đeo Kim Khánh vào cổ mình, nhưng khi vừa bước xuống, ông đã e lệ dùng chiếc mũ ép lên ngực che hết chiếc huân chương Kim Khánh. Năm 1938, trường trung học Đà Lạt muốn có một bức tượng bán thân của Yersin, ông cương quyết từ chối làm mẫu.
      Khi Toàn Quyền Decoux muốn biết tên những người quyền quí, danh tiếng, mà Yersin đã gặp, ông trả lời :"Ở Đông Dương tôi ít giao thiệp với những hạng người ấy."
      Thật ra Yersin đã có lần gặp nhiều người danh tiếng. Năm 1896, Thống Chế Lyantey (lúc bấy giờ là thiếu tá) đến Nha Trang có ghi vào sổ tay :"Vị bác sĩ trẻ này tận tụy với vi trùng học, nghiên cứu, chế tạo "vắc-xe" với một niềm tin tưởng, ý chí đam mê của một nhạc sĩ cao siêu. Những giờ thăm viện của ông làm phấn khởi tinh thần, mặc dầu viện còn thô sơ."

Người con hiếu thảo

      Xa nhà, dầu ở Pháp, Việt Nam hay Trung Quốc, hầu như tuần lễ nào ông cũng viết thư cho mẹ. Tính đến khi mẹ ông mất, năm 1905, ông đã gởi ngót 1000 bức thư, cho bà biết sức khỏe và công việc hằng ngày của mình.
      Khi mẹ mất rồi, Yersin tiếp tục gởi thư cho chị là bà Emilie.
      Trong thư nhiều khi đầy vẻ hài hước, như khi ông ở Hồng Kông viết cho mẹ: "Con còn nhiều điều nữa muốn thưa với mẹ, nhưng có hai xác chết đang chờ con. Họ muốn ra nghĩa địa cho sớm. Tạm biệt mẹ thân yêu. Mẹ rửa tay sau khi đọc thư này kẻo bị lây dịch hạch, mẹ nhé."
     
Yersin nhà nhân ái
    

      Noel Bernard viết về A. Yersin có câu: "Ít có người không vụ lợi như Yersin. Khiêm tốn, giản dị, lịch sự".
      Ông ăn mặc xoàng xĩnh bộ đồ kaki bạc màu cũ kỹ, áo khoác bốn khuy ba túi, áo sơ-mi vải trắng hở cổ, quần kaki trên rộng dưới hẹp giặt sạch mà không bao giờ ủi. Giày vải bố. Trong túi ngực bên trái đựng một cái đồng hồ trái quít đeo bằng một sợi dây gai đỏ. Phải nói rằng Yersin không thiếu đồng hồ. Năm 1945, người ta tìm thấy trong tủ sắt của viện Pasteur Nha Trang rất nhiều đồng hồ trái quít chế tạo tại Thụy Sĩ, phần lớn bằng vàng, dây đeo cũng bằng vàng, bên trong cái nắp đều có dòng chữ: Chế tạo riêng cho Bác Sĩ Yersin.
      Ngày 22 tháng 11 năm 1920, ông đáp tàu Paul Lecat đi Marseille. Một phục vụ viên trẻ của tàu không biết ông, cương quyết không cho ông vào phòng ăn. Nội qui của tàu bắt buộc phải thắt cravate khi bước vào phòng khách. Yersin trở về cabine. Sau đó, ông quay lại phòng ăn nói với phục vụ viên: "Chiếc cravate nầy cậu có chấp nhận không?" Vừa nói ông vừa chỉ tay vào chỗ hở ở cổ áo nơi ông vừa đút tấm huân chương "Bắc Đẩu Bội Tinh" vào.
      Năm 1925, một buổi sáng ông đến hãng xe gặp một người khách sang trọng từ Pháp mới tới. Tên nầy thấy ông ăn mặc xoàng xĩnh buột miệng kêu lên: "Tên bụi đời lang thang nầy làm gì ở đây?
      Bữa ăn của ông thường đạm bạc. Món ăn ông ưa thích thường ngày chỉ là món xúp rau cải ăn với bánh mì hoặc biscotte. Trong thời gian chiến tranh ông phải ăn bánh tráng thay cho bánh mì. Ông thích ăn cá hơn là thịt. Các loại cá được ông ưa chung là cá thu, cá mú.
      Món rượu khai vị của ông thường chỉ là thứ nước có bột quinquina do ông tự chế. Nước uống đôi khi ông dùng nước lá sả mà ông bảo rằng dễ tiêu hoá. Có lần đi thám hiểm vùng cao nguyên, ông chỉ ăn cơm không trong hai tháng.
      Vì Nha Trang thường có bão táp, Yersin nghiên cứu về khí tượng, thời tiết để giúp ngư dân.
      Ông cho làm hai cái bồ to, có đường kính một mét, trên sơn màu đen. Khi có bão, hai cái
bồ được kéo lên hai cây cột bằng phi lao trên núi Sinh Trung để báo hiệu.
     
Tháng 11 năm 1939, đoán biết rằng một cơn bão lớn sẽ đổ vào bờ biển Nha Trang, Yersin vi tập trung tất cả ngư dân xóm Cồn vào trong nhà mình. Cơn bão biển dữ dội đêm ấy đã cuốn trôi nhiều nhà cửa xóm Cồn, nhưng bà con vẫn an toàn.
      Từ hôm ấy, Yersin được nhiều người dân xóm Cồn tặng cho biệt hiệu "người đã trị con sóng thần".
      Viết về Yersin, và viện Pasteur Nha Trang, Henri Jacotot đã có những lời ca ngợi tốt đẹp :
      "Trong những thời điểm quan trọng, Yersin luôn luôn sống trong tình trạng báo động thường trực cả ngày lẫn đêm." (Yersin et son temps,  H. Jacotot-1937)
      Chẳng những lo bảo vệ dân chúng tránh tai nạn bão lụt, Yersin còn luôn luôn tỏ ra nhân ái đối với người dân ở Nha Trang, nên ông được người Việt yêu chuộng và kính phục. Ông tự coi mình như một người dân trong làng, một người có phần may mắn hơn ngườI khác, vì vậy ông thấy có bổn phận an ủi và giúp đỡ thuốc men.
      Một hôm đi xe đạp từ nhà đến sở, ông bị một tài xế bất cẩn đụng ngã. Không nói một lời nào, ông vội vã dựng xe đạp lên, rồi đi đến viện để băng bó, không đá động gì đến người tài xế có lỗi.
      Lần khác ông gặp người nông phu nằm ngủ trong xe bò dưới gốc cây bàng. Mặt trời lên cao, bóng mát thay chiều, ông bảo những người phụ tá đẩy xe bò vào chỗ mát.
      Ông rất thương yêu trẻ con xóm Cồn, thường chiếu phim cho chúng xem. Trẻ con cũng thích ông chia kẹo hằng ngày cho chúng. Một hôm, chúng đánh vỡ chậu hoa, ông bảo người giúp việc: "Đừng rầy đánh, người ta sợ."
      Ông thường đọc báo chí Việt ngữ. Một hôm đến viện ông trao cho ông Bùi Quang Phương, người cộng sự từ năm 1897, bài thơ Năm Cụ Ông chép trong báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng nói về năm bộ trưởng đương kim bị cách chức và thay thế bằng năm người khác do Pháp chỉ định. Bài thơ khó hiểu vì có nhiều nghĩa bóng.
      Yersin rất nhẫn nại tử tế vớI những người cộng sự bản xứ, khôn bao giờ to tiếng, không bao giờ thị oai.

Ông Năm

      Người dân Nha Trang gọi ông là Ông Năm vì theo ngạch nhà binh ông là Y sĩ Đại tá. Một tác giả Pháp Elisabeth Duclosel ghi ông là Nam, bác sĩ Annam, là sai.
      Ông sống thanh đạm độc thân, tiết chế xa hoa nhục dục.
      Elisabeth Duclosel thêu dệt cho ông một quan hệ tình ái giữa ông và một công chúa của bộ lạc Rhadé, thật đáng buồn cười.
      Yersin đến với người Việt Nam bằng một tấm lòng chân thật. Đó là chìa khoá kỳ diệu đã mở cửa cho ông đi vào tình cảm của người Việt Nam.
      Ông ra đi rất thanh thản, ngày 01 tháng 03 năm 1943 vào lúc 01 giờ sáng, vừa đúng tám mươi tuổi.
      Một ngày trước khi từ giã cõi đời, ông còn ngồi trên ghế xích-đu dùng ống dòm đo mực thủy triều.
      Mặc dầu có lời căn dặn của ông trong di chúc muốn được an táng đơn giản, đám táng của ông to lớn chưa từng thấy ở Việt Nam. Ngoài đại diện của chánh quyền còn vô số người Việt, người Pháp, người Chà, người Hoa, người Thượng. Dân chúng bày hương án hai bên đường từ Nha Trang lên tận Suối Dầu nơi an táng ông.
      Trong năm mươi bảy năm hoạt động khoa học (1886 - 1943) Yersin đã công bố năm mươi lăm công trình và bốn mươi tác phẩm về y học, trong đó có mười ba đề tài chuyên cứu về dịch hạch, và mười lăm đề tài chuyên về nông nghiệp trồng cây quinquina và hévéa.
      Người dân Việt Nam vẫn tiếp tục tôn thờ Yersin. Hà Nội, Sài Gòn, Nha Trang, vẫn còn giữ nguyên đường Yersin.

      Bên cạnh mộ Yersin có xây một cái miếu nhỏ đặt ảnh ông và hương án. Tại chùa Linh Sơn và Long Tuyền có bàn thờ ông bên cạnh bàn thờ Phật, mặc dầu lúc sanh thời, người dân Nha Trang không hề thấy Yersin bước chân vào chùa hoặc nhà thờ.


      Mỗi năm đến ngày 01.03 người dân Nha Trang đến đốt hương và nghiêng mình trước mộ Yersin.
      Yersin mãi mãi đi vào lòng của người Việt Nam. Đó là đền Panthéon của Ông Năm và ông còn sống mãi mãi, vì đại văn hào Lỗ Tấn có nói :
      "Người chết chỉ thật là chết, khi không còn tồn tại trong lòng người sống nữa."
      " Người quá khứ mà hình ảnh còn tồn tại trong lòng người sống, thì chưa hẳn là chết."

Di chúc của Bác Sĩ Alexandre Yersin
      ***Tôi muốn được chôn ở Suối Dầu. Yêu cầu ông Bùi Quang Phương giữ tôi lại tại Nha Trang, đừng cho ai đem tôi đi nơi khác. Mọi tài sản còn lại xin tặng hết cho viện Pasteur Nha Trang, và những người cộng sự lâu năm.
      Đám táng làm giản dị, không huy hoàng không điếu văn.***
     





      Những kỷ vật của ông còn lại, viện Pasteur Nha Trang đã trân trọng giữ gìn. Chiếc giường, ghế xích-đu, bàn làm việc, ghế ngồi, tủ sách, kính hiển vi, kính viễn vọng, đều được trưng bày trong viện Bảo Tàng Nha Trang.

VĂN BÁ
(Bác sĩ Nguyễn văn Ba, Paris, France)


Thứ Bảy, 8 tháng 2, 2014

Bó hoa hồng bạn bè Quế Lâm tặng

Ngày tụ hội 6 Tết AL , các bạn Quế Lâm đã trao tặng chúng mình một bó hoa hồng tươi thắm.
Bọn mình đã cắm vào lọ hoa tự chế vì trong nhà không có bình hoa nào lớn để cắm đủ!
Sau hai ngày đi vắng quay về nhà thấy bình hoa hồng các bạn tặng vẫn tươi và rất đẹp.
Mình chụp tấm ảnh này để giữ mãi hình ảnh của những bông hồng khoe sắc trong ngày vui đầu năm của chúng mình và nhắc nhau giữ mãi tinh bạn Quế Lâm  tươi mãi với thời gian







Thứ Tư, 5 tháng 2, 2014

Tụ hội đầu xuân tại Đức Viên

Mùng 6 Tết Giáp Ngọ theo xếp hàng đăng ký với khối lóp 6, hôm nay đến lượt Minh Đức được tiếp bạn bè thiếu thời thân thiết nhất.
Đức Viên rực rỡ trong tiết xuân với vườn hoa cúc, mai, hồng nở rộ vang lên những bài hát quen thuộc một thời với nụ cười rạng rỡ của bạn bè.
Mời các bạn cùng xem loạt ảnh chụp hôm nay

 Những ánh mắt và nụ cười trìu mến

 Phụng-Phương-Hương- Tuyên-Hà- Thiên Hương


 Thiên Hương- Hân- Trọng Phú- Bùi- Ngô Kế Sương- Minh Ngọc








Quà tặng của các bạn nhắc nhở quỹ thời gian có hạn hãy yêu nhau hết lòng

 Hân hoan tưng bừng
Một bó hồng lớn tặng thành viên mới Hội Lư sơn Quế Lâm



Các tay máy hoạt động hết cỡ




 Được cùng bạn hữu tưng bừng họp vào ngày tết tưng bừng cùng mừng cùng hát vang lên bài ca...





 Nhớ tới phút xưa êm đềm....
 Diễm Hằng- Cung-Hương-Phụng-Đức - Hà(Bùi)-Phương-Tuyên-Hà (Hân)-Khinh

 Từ phài sang Tài Đức= Bùi=Sương-Phương-Phước=Hương-Hà

Phút chia tay vẫn đầy ắp tiếng cười

Thứ Hai, 3 tháng 2, 2014

Thơ mừng sinh nhật bố




BÀI THƠ MỪNG SINH NHẬT BỐ
Mỗi năm tết đến xuân về, cả đất trời rạo rực trong hơi thở nồng nàn, ấm áp của mùa xuân.

Mùa xuân năm nay với con gái út của bố rất đặc biệt vì ở xa không có điều kiện để cùng các anh chị mừng sinh nhật của bố(3.2.1930-3.2.2014), gia đình con kính chúc bố  khỏe mạnh để luôn ở bên các con cháu mãi mãi . 



Tám tư  năm trước Xuân về
Hạt mầm Nội đặt lên bờ nhân gian
Một trang nam tử thi gan
Bao năm vẫn giữ  tam cương, ngũ thường

Vẫy vùng sóng gió tai ương
Nước nhà binh lửa lên đường tòng quân
Xông pha chiến trận lẫy lừng
Ngày rời quân ngũ chẳng dừng chí trai

Cố công đèn sách miệt mài
Mong thành ông giáo một mai đưa đò
Mẹ Cha như một câu hò
Trên dòng sông chữ, chăm lo cùng người

Bố đi dạy khắp mọi nơi
Mẹ cùng khăn gói không rời bước chân
Bên nhau sớm tối đỡ đần
Để cho nhụy nở bốn lần hoa tưoi

Một trai, ba gái ra đời
Niềm vui hạnh phúc ngập trời thương yêu
Chữ tình đẹp biết bao nhiêu
Bố làm thơ tặng Mẹ nhiều lắm nha

Tám tư Xuân đã đi qua
Bố luôn là bạn trong nhà cùng con
Mừng ngày lịch sử nước son
Lời chào ơn Đảng, cháu con Tiên, Rồng

Cho con viết những lời hồng
Bài thơ sinh nhật mênh mông về người
Chúc cho Bố mãi muôn đời
Tấm gương nhà giáo tuyệt vời chúng con